Những điểm mới của Luật Thi hành án dân sự
Những điểm mới của Luật thi hành án dân sự:
1. Về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự
Luật sửa đổi bổ sung theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án. Theo đó, Khoản 4, 5, 6 Điều 1 Luật sửa đổi quy định:
Người được thi hành án có quyền: “Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này; Được thông báo về thi hành án; Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ; Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác; Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; và được quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án”.
Như vậy, theo quy định trên, thi một quyền rất mới mà Luật đã bổ sung cho đương sự, đó là “Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ”. Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức thi hành án dân sự, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động thi hành án dân sự. Đặc biệt, để phù hợp hơn với thực tiễn, Luật sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án đồng thời quy định người được thi hành án không phải trả chi phí cho việc xác minh điều kiện thi hành án “Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”. Quy định này được coi là một điểm mới rất tiến bộ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được thi hành án, giảm gánh nặng cho người được thi hành án, nhất là đối với những người được thi hành án già cả, neo đơn, ốm đau, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, ở địa phương khác với người phải thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án đã được pháp luật công nhận.
2. Về vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự. Theo đó, khoản 15 Điều 1 quy định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định về: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Luật cũng bổ sung quy định về chuyển giao quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự.
3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án
Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tại Khoản 7 và 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, việc báo cáo này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu: “Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu”. Quy định này nhằm đề cao trách nhiệm của Tòa án xuyên suốt trước, trong và sau khi xét xử, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích, đính chính, trả lời kiến nghị đối với bản án của mình trong quá trình tổ chức thi hành án; theo dõi kết quả thi hành án; từ đó, tăng thêm niềm tin của xã hội vào hoạt động thi hành án dân sự; góp phần làm giảm thiểu khiếu nại đối với việc thi hành án dân sự liên quan đến bản án.
4. Về vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thi hành án dân sự
Khoản 6 Điều 1 của Luật sửa đổi quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của Toà án: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự” bổ sung quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Toà án để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật: “Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm, pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa”; Khoản 42 Điều 1 bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự trong thi hành án dân sự.
5. Về việc bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên
Điểm mới cơ bản trong quy định về bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên là Luật đã bổ sung đối tượng được bổ nhiệm không qua thi tuyển. Theo đó, để tạo được sự an tâm công tác, tạo động lực phấn đấu, rèn luyện cho người đã là Chấp hành viên nhưng do yêu cầu tổ chức được bố trí sang làm nhiệm vụ khác thì có thể được chuyển sang ngạch Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển. Khoản 10 Điều 1 quy định: “Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển”.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, trong trường hợp đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc biệt cấp bách phải bổ nhiệm ngay Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Luật sửa đổi đã quy định rõ, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chung, để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, cần phải có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên; bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp phải có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên và 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.
6. Về xác minh điều kiện thi hành án
Luật đã bỏ nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chuyển hóa thành quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án; bỏ nghĩa vụ phải nộp chi phí xác minh. Như vậy, việc xác minh điều kiện thi hành án theo Luật sửa đổi là thuộc về trách nhiệm của Chấp hành viên, Khoản 17 Điều 1 quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”.
Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Để khắc phục tình trạng lỏng lẻo của công tác xác minh hiện nay, đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, khoản 17 Điều 1 của Luật đã bổ sung quy định khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải “xuất trình thẻ Chấp hành viên”; Chấp hành viên được quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết; được trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản, xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án phải thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp. Trường hợp từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
7. Về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án
Nhằm khắc phục các bất cập của Luật thi hành án dân sự 2008 và thực tiễn thực hiện Luật, Khoản 18 Điều 1 của Luật sửa đổi đã làm rõ hơn thế nào là "chưa có điều kiện thi hành án", đó là: 1. Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án; 2. Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác; 3. Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Luật sửa đổi cũng quy định về việc công khai thông tin của người phải thi hành án trong một số trường hợp. Theo đó, thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.
8. Về mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Nhằm khắc phục tình trạng lượng án tồn đọng rất lớn, nhất là những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước, Khoản 25 Điều 1 của Luật đã bổ sung thêm các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây: Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
9. Về biện pháp bảo đảm thi hành án
Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về giới hạn của số tiền, tài sản bị phong tỏa nhằm tránh tình trạng tùy tiện phong toả toàn bộ tài khoản, tài sản làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giao dịch bình thường của chủ tài khoản, tài sản. Mặt khác, trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, việc tẩu tán tiền trong tài khoản có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn, trong khi thủ tục để ban hành quyết định phong tỏa đòi hỏi phải có thời gian dài hơn Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác. 2. Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó. 3. Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.
Đồng thời, tại Khoản 27 Điều 1 đã bổ sung việc Chấp hành viên tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự phải ban hành Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ và xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ trong Quyết định này "Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ". Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thiếu rõ ràng, không thống nhất của Luật thi hành án dân sự 2008 vì không quy định Chấp hành viên phải ban hành quyết định mà chỉ yêu cầu lập biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ. Việc khẳng định hình thức áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong trường hợp này tạo điều kiện pháp lý vững chắc hơn cho Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, Luật đã bổ sung quy định ngay tại thời điểm tạm giữ tài sản, Chấp hành viên phải yêu cầu đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng và thông báo cho đương sự và tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Quy định này nhằm giúp Chấp hành viên sớm xác định có hay không có tranh chấp đối với tài sản. Đồng thời, để thúc đẩy nhanh tiến trình tổ chức thi hành án, Luật quy định, trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản và yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch có liên quan đến tài sản theo quy định. Khi có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này để buộc người phải thi hành án chấp hành bản án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Đồng thời, nếu như có căn cứ xác định tài sản tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2015