Dự án

Phó Thủ tướng trình Dự thảo Luật đất đai Luật sư Đặng Thành Chung góp ý kiến

Luật Đất đai là một trong những đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, gồm 16 Chương, 245 Điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Chính phủ đã gửi Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bản so sánh những nội dung mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Đất đai 2013. Quan tâm đến các nội dung được sửa đổi lần này, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội kỳ vọng, việc sửa đổi lần này sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đất nước.

Phóng viên: Qua thực tế hoạt động với tư cách là một luật sư, ông cũng đã tham gia hỗ trợ giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, xin ông cho biết những vấn đề nào người dân thường gặp vướng mắc liên quan đến thực hiện các quy định của Luật Đất đại hiện hành?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Trên thực tế những năm qua, nhiều dự án kéo dài tiến độ thậm chí hàng chục năm do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hoặc quy hoạch treo, không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng như không được xây dựng, không được chuyển nhượng, không có chỗ để tái định cư… Một số dự án nhà đầu tư không công khai, phổ biến đến người dân, không đảm bảo quyền lợi về bồi thường, hỗ trợ cho người dân do áp dụng khung giá đất, bảng giá đất tính giá đền bù thấp trong khi người dân mua đất, mua nhà lại tính theo giá thị trường, đây cũng là nội dung mà người dân hay khiếu nại, khiếu kiện.

Cũng về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quá trình triển khai thu hồi đất còn phát sinh vướng mắc như chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất rất khó.

Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi. Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động.

Ngoài ra, về các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai cũng chưa đảm bảo đúng quyền lợi của người dân, có nhiều trường hợp đăng ký biến động vi phạm quyền thừa kế, diện tích sử dụng đất trên sổ đỏ bị chênh lệch so với thực tế, trường hợp không đăng ký biến động do ý kiến các cơ quan có thẩm quyền chưa thống nhất… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua có sự hình thành của một số bất động sản mới và chưa có quy chế pháp lý đối với người mua như condotel, officetel, shophouse, … dẫn đến người dân bỏ tiền nhưng lại không nhận được đảm bảo về thời hạn sử dụng, giá trị bất động sản.

Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiều điểm mới, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới này?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Luật Đất đai 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, tính đến nay đã hơn 08 năm thi hành và đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và có nhiều vấn đề phát sinh mới cần hành lang pháp lý điều chỉnh những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai. Do đó, Luật Đất đai với sự tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến từng cá nhân và mội trường đầu tư, kinh doanh, tôi cho rằng thời điểm hiện tại, việc thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đất đai là hợp lý và cần thiết.

Về những điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi đánh giá có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như: bỏ khung giá đất, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đấu giá, đấu thầu đất…

Ngoài ra, các điểm mới của dự thảo luật vẫn tiếp tục hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, đáp ứng nguyện vọng công khai, minh bạch các quy định, giải quyết hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà nước, nhà đầu tư. Từ đó thực hiện mục đích bao quát là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Theo ông, quan điểm sửa đổi luật cần theo hướng nào để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, đây là đạo luật có phạm vi rộng, bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống, đối tượng chịu tác động của luật rất lớn, nên có nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau là điều khó tránh khỏi, như: vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hành năm”; cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...

Tôi cho rằng, những vấn đề sửa đổi còn ý kiến khác nhau, bên cạnh tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ban soạn thảo cần tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo với sự tham gia của những người có chuyên môn về lĩnh vực này để tham khảo, nghiên cứu các góp ý, sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với thực tiễn.

Việc sửa đổi luật cần đảm bảo những tiêu chí như cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; đáp ứng sự tương thích, đồng bộ chặt chẽ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; minh bạch, rõ ràng thông tin về thẩm quyền, quy trình thực hiện, quyền lợi của từng đối tượng tham gia; đảm bảo tối đa và hài hòa quyền lợi của người sử dụng đất và Nhà nước; giải quyết, tháo gỡ được những vấn đề vướng mắc tồn tại và xây dựng các quy định mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.