Luật sư Đặng Thành Chung trả lời phỏng vấn báo Diễn đàn doanh nghiệp
Trung tâm lưu ký chứng khoán VN: Cung cấp thông tin trái luật ?
(DĐDN) - Lần đầu tiên một DN đã khởi kiện Trung tâm lưu ký chứng khoán VN (VSD) với cáo buộc cung cấp thông tin trái luật.
Theo Khoản 1, Điều 127, Luật Chứng khoán: tổ chức đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và nhân viên của tổ chức này vi phạm quy định về chế độ bảo mật tài khoản lưu ký của khách hàng; không cung cấp đầy đủ, kịp thời danh sách người nắm giữ chứng khoán cho tổ chức phát hành thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp Cty CP Địa ốc Dầu khí khởi kiện Trung tâm lưu ký chứng khoán VN vì cung cấp thông tin không đúng luật được xem là một cảnh báo đầu tiên về cách ứng xử với thông tin chứng khoán. Bởi thông tin chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực chứng khoán. Vào một số thời điểm nhạy cảm, có thể chỉ cần biết trước thông tin vài phút, số phận của một DN đã có những thay đổi trái ngược.
Những đòi hỏi khó hiểu của cổ đông lớn
Cty CP Địa ốc Dầu khí là Cty đại chúng (mã chứng khoán PVL) được thành lập từ năm 2007 với 50 triệu cổ phần (tương đương 500 tỉ đồng). Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Cty ngày 23/7/2011đã bầu 5 thành viên HĐQT là ông Hoàng Ngọc Sáu, ông Nguyễn Văn Lai, ông Nguyễn Anh Quân, ông Trần Việt Thành và bà Vũ Kiều Nga. HĐQT đã bầu ông Nguyễn Văn Lai làm Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng Ngọc Sáu làm TGĐ.
Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2013, ông Nguyễn Văn Lai làm đơn xin thôi chức Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Anh Quân cũng có đơn xin rút khỏi chức danh thành viên HĐQT. Vào ngày 05/8/2013, Căn cứ Điều 30, Nghị định số 102/2010, HĐQT đã ra quyết định bầu ông Hoàng Ngọc Sáu giữ chức Chủ tịch HĐQT, đồng thời bầu ông Phạm Văn Hùng làm TGĐ Cty PVL và là người đại diện theo pháp luật cho Cty PVL thay ông Hoàng Ngọc Sáu.
Theo phản ánh của một số thành viên PVL, Cty CP Xây lắp dầu khí VN (Cty PVC) hiện đang sở hữu 7 triệu cổ phần (14%) của Cty PVL đã không đồng tình với việc thay đổi trên. Thậm chí PVC còn ra Công văn số 3091, không thừa nhân tư cách Chủ tịch HĐQT Cty PVL.Với tư cách cổ đông lớn, ngày 26/8/2013, ông Nguyễn Văn Đồng – Phó tổng giám đốc PVC đã ra công văn số 2830 yêu cầu HĐQT Cty PVL tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với lý do HĐQT và Ban kiểm soát của Cty PVL đã quá hạn 6 tháng.
Theo ông Phạm Văn Hùng - TGĐ Cty PVL, do thị trường bất động sản đóng bắng, DN này đang ở vào tình trạng rất khó khăn, từ chỗ có 176 nhân sự, sau khi tái cấu trúc, Cty chỉ còn lại hơn 30 người. Dù vậy, đã gần 8 tháng qua (tính từ tháng 4/2013) cán bộ, công nhân viên của Cty chưa có lương. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường là bất hợp lý, gây lãng phí không cần thiết cho DN và các cổ đông, nhất là trong điều kiện chỉ còn không đầy 6 tháng nữa (tính từ tháng 01/2014) là Cty phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên theo quy định.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của PVC, ngày 10/12/2013, HĐQT Cty PVL đã có công văn và thông báo chấp nhận tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 của cổ đông PVC. Ông Hùng cho rằng, giữa HĐQT Cty PVL và PVC đang có cách hiểu khác nhau về nhân sự thành viên hợp pháp của HĐQT Cty PVL. Nếu cổ đông PVC thấy việc bầu HĐQT chỗ nào chưa đúng luật có thể khởi kiện ra tòa án. Ban lãnh đạo Cty PVL sẵn sàng hợp tác và khẳng định chưa bác bỏ bất cứ quyền lợi nào của cổ đông PVC nói riêng và 6.000 cổ đông khác của PVL nói chung. Nhưng ban lãnh đạo PVL cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cổ đông cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đặc biệt là vấn đề cung cấp thông tin liên quan đến DN.
Làm lộ bí mật kinh doanh ?
Theo quy định pháp luật về chứng khoán, Cty PVL đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ số 133/83/2010 ngày 16/8/2010 với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật về chứng khoán cũng đã quy định khá chặt chẽ về việc cung cấp thông tin. Tại Khoản 8, Điều 46 - Luật Chứng khoán quy định về nghĩa vụ của Trung tâm lưu ký chứng khoán VN thì Trung tâm chỉ được quyền: “Cung cấp các thông tin liên quan đến việc sở hữu chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của Cty đại chúng, tổ chức phát hành”. Đồng thời tại Khoản 1, Điều 57, Luật Chứng khoán còn quy định: “Trung tâm Lưu ký chứng khoán và thành viên lưu ký có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng, từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tài sản của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng”.
Liên quan đến việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, ngày 31/10/2013 VSD ra Công văn số 8616A về việc "PVC đề nghị chốt danh sách cổ đông để thực hiện ĐHĐCĐ bất thường". Theo đó, VSD đề nghị PVL có ý kiến bằng văn bản về việc chốt danh sách người sở hữu chứng khoán PVL thực hiện quyền ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông PVC.
Ngày 08/11/2013, PVL đã có Công văn số 78/CV-HĐQT phúc đáp Công văn số 8616A của VSD. Theo đó, ông Hoàng Ngọc Sáu – Chủ tịch HĐQT PVL đã đề nghị: “Trung tâm Lưu ký Chứng khoán VN không cung cấp cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào danh sách người sở hữu chứng khoán PVL khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của HĐQT C ty PVL theo quy định tại các điều 46 và 57 Luật Chứng khoán. Trừ trường hợp Trung tâm buộc phải cung cấp thông tin theo yêu cầu hợp pháp bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Nếu Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho cổ đông PVC là làm lộ bí mật kinh doanh của các nhà đầu tư. |
Theo đại diện của PVL, nếu VSD cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán cho PVC (một cổ đông của PVL) như tinh thần Công văn 9476 là vi phạm pháp luật về bảo mật thông tin. PVL buộc phải kiện VSD ra tòa án. Theo ông Phạm Văn Hùng, Trung tâm lưu ký chứng khoán VN đã viện lý do có sự cho phép của UBCKNN bằng Công văn 7651. Tuy nhiên, khi PVL đề nghị được cung cấp văn bản này thì cả VSD và Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) đều không cung cấp và nói rằng đây là văn bản nội bộ. PVL cực chẳng đã buộc phải kiện VSD ra tòa án. Cũng theo ông Hùng, để khẳng định yêu cầu của cổ đông PVC đúng hay sai, cần có sự phán quyết của Toà án. Nếu các cơ quan chỉ đơn thuần dựa trên cách hiểu, cách suy luận của cổ đông PVC là không đủ cơ sở pháp lý.
Rõ ràng, VSD là một tổ chức trực thuộc UBCKNN. Quan hệ giữa PVL và VSD dựa trên một hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán. Do đó, VSD không thể lấy tư cách kinh doanh độc quyền của mình để áp đặt lên một DN có tư cách pháp nhân khác. Nếu Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho cổ đông PVC là trái luật định, làm lộ bí mật kinh doanh của các nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến việc cổ đông lợi dụng thông tin trục lợi, thao túng thị trường, gây ảnh hưởng cho các cổ đông (nhà đầu tư) khác.
DN có quyền khởi kiện
Như vậy Cty PVL hoàn toàn có quyền khởi kiện VSD ra TAND theo quy định pháp luật cũng như theo thỏa thuận của hai bên nếu việc VSD cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL là không đúng quy định pháp luật. Việc này căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 133 Luật Chứng khoán và khoản 2 Điều 6 hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa hai bên. Còn trường hợp, VSD căn cứ vào Công văn số 7651/UBCK-QLPH ngày 28/11/2013 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước để ban hành Công văn số 9476. Theo đó, VSD đồng ý cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho PVC để tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. UBCKNN là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện PVL, DN này đã làm việc với Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) và yêu cầu được Cung cấp Công văn 7651 nhưng không được cơ quan này chấp nhận vì cho rằng đây là văn bản nội bộ. Như vậy, nếu đúng là văn bản trên đã cho phép VSD cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán của PVL cho PVC thì Cty PVL có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện Văn bản 7651 của UBCKNN. Qua đó, yêu cầu UBCKNN thu hồi Công văn 7651. |
http://dddn.com.vn/phap-luat/trung-tam-luu-ky-chung-khoan-vn-cung-cap-thong-tin-trai-luat--20131219050340825.htm