Trả lời bạn đọc VN-Express: " Khẩu quyết "nhất chớm" trong giao thông có đúng luật ?"
https://vnexpress.net/luat-su-khau-quyet-nhat-chom-khong-co-trong-luat-giao-thong-4345228.html?fbclid=IwAR1X6GkbIyccwruD3Z4mteKXqnhFv5fcSGHHCRORrkRyjoisV2-Q8_jedPs
Trả lời cho câu hỏi "Khẩu quyết 'nhất chớm' trong giao thông có đúng luật?", luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư Hà Nội cho biết "Nhất chớm" ở đây được giải thích là xe vào giao lộ trước được đi trước. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực pháp luật thì không có một điều khoản nào của Luật quy định về nội dung này. Do đó việc áp dụng khẩu quyết "nhất chớm" chỉ nên được áp dụng khi tình huống giao thông không được điều chỉnh bởi một số quy định khác liên quan trong Luật.
Trong trường hợp "Xe cứu thương đâm xe bán tải tại ngã tư - xe nào sai?" - video đăng tải đã có sự xuất hiện của xe cứu thương là đối tượng được quyền ưu tiên, tức là tình huống này đã có sự tham gia của quy định khác chứ không chỉ "xe nào vào giao lộ trước".
Cụ thể, theo quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ như sau:
"1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên."
Do đó, khi xảy ra tình huống này, cần áp dụng ưu tiên quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ, xe được ưu tiên đi trước phải là xe cứu thương. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, xe cứu thương được ưu tiên phải đáp ứng điều kiện đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, đang có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định tại Nghị định 109/2009 quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Với các xe dân sự khác, tài xế có thể nhận biết xe cứu thương từ xa thông qua các tín hiệu, đặc biệt là còi hụ. Vì vậy, tài xế nên chủ động quan sát, giảm tốc độ để có thể xử lý, sẵn sàng nhường đường khi nhận thấy tín hiệu của xe cứu thương.
Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh;
Phòng 305 - Toà nhà số 8 Láng hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)