Đối tác

Mua xe cũ đi đăng kiểm bị yêu cầu nộp phạt nguội?

 

Theo quy định tại Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, việc phạt nguội là việc xử phạt dựa trên tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật để sử dụng làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện: Xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm để làm rõ vụ việc.

Mặt khác, tại khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019-NĐ-CP quy định: "Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt 8. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

a) Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

b) Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép."

Theo điều luật này quy định thì bạn phải phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, chứng minh hoặc giải trình mình không phải là người điểu khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời bạn cần liên hệ với chủ cũ để nộp phạt hoặc tìm ra người điều khiển phương tiện khiến cho phương tiện vi phạm giao thông để yêu cầu người đó nộp phạt.

Trường hợp không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (không thể liên hệ được với chủ cũ hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm - trường hợp này thường rất phổ biến) thì thiết nghĩ bạn nên chủ động nộp phạt vì dù lỗi của chủ cũ thì bạn là người mua mới cũng phải chịu rủi ro, chịu một phần trách nhiệm do chủ quan, không kiểm tra kỹ thông tin pháp lý của xe.

Việc chủ động nộp phạt cũng đẩy nhanh quá trình đăng kiểm xe vì nếu quá thời hạn đăng kiểm, bạn có thể phải nộp khoản phạt nữa. Đây cũng là kinh nghiệm khi mua xe cũ. Để tránh trường hợp này, người mua cần kiểm tra kỹ thông tin về đăng kiểm trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Để biết chiếc xe có bị từ chối đăng kiểm do vi phạm giao thông hay không cũng như xem thời hạn nộp phí bảo trì đường bộ của xe để tránh mất tiền oan, người mua xe chỉ cần nhập tên, biển số xe và mã số trên giấy chứng nhận đăng kiểm theo thông tin trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc website của Bộ công an https://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html có thông tin đầy đủ.

Đồng thời tại hợp đồng mua bán xe, người mua cũng nên yêu cầu người bán cam kết xe không vi phạm giao thông trong quá trình sử dụng và phải chịu trách nhiệm nộp phạt, bồi thường nếu vi phạm cam kết này.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh;

Phòng 305 - Toà nhà số 8 Láng hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)