Đối tác

Vụ Grab tăng mức khấu trừ khiến tài xế bức xúc: Grab đang áp đặt và làm khó tài xế

Liên quan đến vụ hàng trăm tài xế Grab tụ tập phản đối vì bị Công ty TNHH Grab tăng mức khấu trừ, trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật An Ninh cho rằng, mối quan hệ giữa Grab và tài xế là mối quan hệ bất bình đẳng, Grab đang áp đặt và làm khó tài xế.

* PV: Thưa ông, trong những ngày qua dư luận rất quan tâm đến vụ tài xế Grab phản ứng gay gắt vì cho rằng Công ty TNHH Grab đã tăng mức khấu trừ từ 20% lên 27% cho mỗi cuốc xe; đồng thời tăng giá dịch vụ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tài xế. Nhìn từ góc độ quan hệ dân sự, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

- Ls Đặng Thành Chung: Trong tất cả các phản hồi của Grab đều khẳng định quan hệ giữa Grab và tài xế là quan hệ đối tác, tức là quan hệ hợp tác kinh doanh với các thỏa thuận về phân chia doanh thu, sản phẩm. Đây là một loại quan hệ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Một quan hệ dân sự cần phải được xem xét và thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên, mà ở đây là thỏa thuận của Grab và tài xế.

 Ls Đặng Thành Chung

Ls Đặng Thành Chung

Do đó, việc Grab tự ý tăng mức chiết khấu từ 20% lên 27% cho mỗi cuốc xe, đồng thời tăng giá dịch vụ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tài xế, khiến các tài xế phản ứng, đây được xem là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, nói là thoả thuận giữa các bên, nhưng thực tế là Grab đưa về tình thế buộc tài xế phải đồng ý, bởi lẽ đây là mối quan hệ bất đối xứng mà bên yếu thế là các tài xế.

Mặt khác, hiện nay các quy định pháp lý về vận tải cũng không điều chỉnh hoạt động của loại hình GrabBike, nên cơ quan chức năng không có cơ sở giải quyết vi phạm, tranh chấp. Nếu tài xế không chấp nhận chính sách, thì chỉ còn cách chấm dứt hợp đồng với Grab. Đây là điều thiệt thòi rất lớn đối với các tài xế.

* PV: Giải thích lý do tăng mức khấu trừ, phía Grab cho rằng do Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 126 chỉ hướng dẫn cụ thể việc khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), không điều chỉnh thuế suất, nên không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế. Là một luật sư, ông đánh giá như thế nào về lý do này?

- Ls Đặng Thành Chung: Tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126 quy định như sau: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh; đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức, thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định”.

Như vậy, Nghị định 126 chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT - chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Do đó, không thể nói rằng Nghị định 126 làm tăng nghĩa vụ thuế GTGT đối với tài xế. Nói cách khác, lý do của Grab về vấn đề này là không đúng.

* PV: Sau buổi làm việc với đại diện Grab, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi doanh nghiệp này và yêu cầu Grab thận trọng trong phát ngôn cũng như cần quan tâm đến trách nhiệm xã hội đối với người lao động (tài xế). Phía Grab lại cho rằng, việc áp thuế suất thuế GTGT 10% là không có cơ sở. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ls Đặng Thành Chung: Grabbike hay Grabcar cùng do một công ty sở hữu, bản chất hoạt động kinh doanh vận tải là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương tiện vận chuyển. Với Grabbike, Grab cũng tiến hành trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Theo quy định, “thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng” và “người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Do đó, Grab phải có trách nhiệm khai thay và nghĩa vụ nộp thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác là các tài xế xe công nghệ, trong đó có tài xế Grabbike khi hoạt động kinh doanh vận tải với thuế suất GTGT là 10%.

* PV: Mới đây Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Taxi TP. Đà Nẵng đã gửi công văn tới Tổng cục Thuế bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với Nghị định 126 vì cho rằng, quy định này đảm bảo sự công bằng. Mặc dù vậy Grab lại phản đối Nghị định 126 về việc áp thuế suất thuế GTGT 10%. Ông có cho rằng phía Grab đang cố tình lợi dụng chính sách để làm khó người lao động?

- Ls Đặng Thành Chung: Như đã phân tích ở trên, mối quan hệ giữa Grab và tài xế là mối quan hệ dân sự bất bình đẳng, tài xế ở địa vị yếu thế và bắt buộc phải theo đề nghị của Grab. Do đó, tuy nói là thoả thuận giữa các bên, nhưng thực tế là Grab đang buộc tài xế vào tình thế buộc phải đồng ý, trong trường hợp tài xế không đồng ý thì Grab thẳng tay chấm dứt thỏa thuận bất kỳ lúc nào. Nếu Grap cho rằng đấy là do chính sách thuế thì các công ty khác hoạt động như Grab cũng chịu ảnh hưởng chứ không riêng gì Grab.