Dịch vụ

Hành vi Mua bán, làm bằng giả

Rất cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật An Ninh, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật, trong vấn đề mua bán và sử dụng bằng giả được quy định theo điều 267, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể:

“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.”

Như vậy, theo quy định của điều luật này, với những người làm giả bằng cấp của các cơ sở giáo dục hoặc những người sử dụng bằng cấp giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân thì đều phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tùy vào từng trường hợp cụ thể để xác định khung hình phạt tăng nặng cho tội này.

Ngoài ra, trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm chưa có đầy đủ những dấu hiệu pháp lí nêu trên, vấn đề này cũng được quy định cụ thể tại khoản 3, khoản 4, khoản 5,, điều 16, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó:

 “Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”

Như vậy, đối với hành vi mua bán, sử dụng bằng, chứng chỉ giả ở các cơ sở giáo dục sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng cho đến 20 triệu đồng; đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả ở các cơ sở giáo dục sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng; ngoài ra, các tang vật và phương tiện vi phạm đều bị tịch thu.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về vấn đề bạn còn thắc mắc. Mong rằng với những thông tin chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này. Chúc bạn thành công và gặp nhiều may mắn.

Chuyên viên Tư vấn: Trần Chinh – Công ty Luật An Ninh – Website: Luatanninh.vn