Dịch vụ

Quyền Khởi kiện của chi nhánh, văn phòng đại diện

Để thuận tiện cho hoạt động và phát triển của mình, khi có nhu cầu các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức nhất là các Ngân hàng đều thành lập các chi nhánh và văn phòng đại diện ở những địa phương khác nhau. Vậy khi phát simnh những tranh chấp với bên thứ 3 thì Chi nhánh có được quyền Khởi kiện với tư cách là Nguyên đơn hay không?

          Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân như sau:“Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Còn “...Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.”

Như vậy Chi nhánh và văn phòng đại diện đều không phải là pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, được thành lập để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của pháp nhân. Hay có thể được hiểu là các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện thì pháp nhân cũng sẽ có các quyền và nghĩa vụ đó. Người đứng đầu văn phòng đại diện sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của mình.

Mặt khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về quyền khởi kiện vụ án sư sau: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Để hướng dẫn Điều này tại khoản 5 Điều 2 Nghị Quyết số 05/2012/NQ – HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật TTDS đã được sửa đổi bổ sung theo luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ Luật TTDS có quy định: Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.

Quy định này của pháp luật Tố tụng dân sự được hiểu là: Ở mục đầu tiên phần tên địa chỉ của người khởi kiện trong đơn khởi kiện của chi nhánh, văn phòng đại diện khi tiến hành viết đơn khởi kiện sẽ bao gồm 3 nội dung chính: tên địa chỉ của cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện. Sau đó đến tên địa chỉ và chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân đó. Cuối cùng là văn bản ủy quyền của pháp nhân ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật và chức danh của người đại diện theo pháp luật đó.

          Tương ứng với mục người khởi kiện ở đầu đơn khởi kiện, ở mục cuối của đơn khởi kiện thì một lần nữa người viết đơn khởi kiện cũng cần phải ghi rõ tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký và ghi rõ họ tên và dấu sẽ mang dẫu của pháp nhân hoặc dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 5 LTTDS.

          Mặc dù đã quy định về việc thẩm quyền khởi kiện và hướng dẫn cụ thể việc Chi  nhánh, văn phòng đại diện thực hiện quyền khởi kiện như đã nêu trên, nhưng hiện nay vẫn còn một số lượng không nhỏ những đơn khởi kiện của các chi nhánh, văn phòng đại diện khi tiến hành khởi kiện dân sự không tiến hành theo đúng các quy định này. Như không ghi tên, địa chỉ của pháp nhân có chi nhánh, văn phòng đại diện mà chỉ ghỉ mình tên địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Ở mục cuối ký tên người viết đơn chỉ ghi người đứng đầu chi nhánh nhưng vẫn được cơ quan tố tụng chấp thuận và thụ lý đơn. Việc Tòa án các cấp có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiên trong trường hợp này là không đúng với các quy định được quy định ở Bộ luật tố tụng dân sự và các Nghị quyết hướng dẫn thi hành.

Chuyên viên Tư vấn: Tiết Phạm Ngọc Điệp - Công ty Luật An Ninh