Dịch vụ

Vợ có phải gánh nợ cho chồng sau khi chồng mất?

Theo như những gì bạn nói thì bạn không biết chồng bạn vay tiền. Và chồng bạn đã sử dụng số tiền vay để ăn chời, nhậu nhẹt cá nhân, không phải chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nên theo khoản 3 Điều 45 Luật HN&GĐ, việc trả nợ là nghĩa vụ riêng về tài sản của chồng bạn, bạn không có trách nhiệm gì đối với khoản nợ này.

Tuy nhiên, hiện nay chồng bạn đã mất nên bạn cần lưu ý như sau:

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự về người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng mình, do đó bạn được ưu tiên hưởng thừa kế cùng những người trong hàng thừa kế thứ nhất khi chia di sản thừa kế của chồng bạn.

Căn cứ vào quy định của Điều 614; khoản 1, khoản 3 Điều 615 Bộ luật dân sự thì: Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản mình đã nhận trong khối di sản của người chết để lại. Điều này có nghĩa là, bạn là người thừa kế của chồng bạn; khi bạn nhận phần di sản mà chồng bạn để lại cũng là lúc bạn có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài sản của chồng bạn. Trong trường hợp này, bạn phải dùng tài sản bạn hưởng thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền mà chồng bạn đã vay.

Ngoài ra, bạn cũng có quyền từ chối nhận di sản và việc từ chối không vì mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của bạn đối với người khác (không bao gồm việc trả nợ cho chồng bạn). Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Nếu bạn từ chối nhận di sản, đồng nghĩa với việc bạn không được nhận di sản từ chồng và cũng không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền chồng bạn vay vì đây là nghĩa vụ riêng của chồng bạn (như đã nói ở trên).

 

Tư vấn bới Luật sư Đặng Thành Chung

(Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)