Dịch vụ

Vợ cũ không chăm sóc con thì chồng cũ được quyền xin nuôi con không?

Theo những gì bạn kể, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: b) Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”, chồng bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Hành vi đánh đập, mắng chửi cháu của người vợ trước là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ của hành vi mà chị ta có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 49, 50, 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trường hợp hành vi vi phạm nghiêm trọng, chị ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất là 5 năm theo quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự.

Theo khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau:

-         Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

-         Phá tán tài sản của con;

-         Có lối sống đồi trụy;

-         Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ theo quy định trên và quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình, chồng của bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của người vợ trước đối với cháu. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm và có thể xem xét rút ngắn thời hạn này.

 

Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung

(Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)