Vấn đề bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?
Bình đẳng giới là nam và nữ có vai trò, vị trí ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau thành quả của sự phát triển đó. Ngay từ nguyên tắc cơ bản, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới đều thừa nhận và bảo vệ quyền bình đẳng giới trong đời sống gia đình.
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau:
“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.”
Theo như quy định trên, các nội dung thực hiện bình đẳng giới trong gia đình được thể hiện như sau:
- Vợ chồng cùng nhau chia sẻ việc nhà;
- Vợ chồng cùng nhau giáo dục con;
- Vợ chồng cùng nhau thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Vợ chồng cùng nhau phòng, chống bạo lực gia đình;
- Vợ chồng cùng nhau tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề của gia đình như: phát triển kinh tế gia đình, mua sắm tài sản gia đình, định hướng nghề nghiệp tương lai, …
Để đảm bảo quyền bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội mà còn là trách nhiệm của chính gia đình và của mỗi cá nhân để xây dựng và phát triển một gia đình, một xã hội bình đẳng giới.
(Tư vấn bởi Luật sư Hồ Thị Nhàn
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)