Dịch vụ

Học sinh đánh nhau có bị xử lý trách nhiệm không?

Việc các em học sinh vì xích mích mà xảy ra xô xát thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

+ Về xử lý hành chính: các em có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng về hành vi “Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trường hợp các em không có tài sản riêng để nộp phạt thì cha mẹ có trách nhiệm nộp phạt cho hành vi mà các em gây ra.

 
+ Về truy cứu trách nhiệm hình sự: nếu xảy ra thương tích trên thực tế và có đủ các yếu tố cấu thành các em có thể bị truy cứu theo các tội danh liên quan đến cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134, 135, 136 Bộ luật hình sự hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 Bộ luật hình sự.
 
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, để xử lý trách nhiệm hành chính và hình sự thì pháp luật hiện hành quy định các em phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm theo luật định.
 
+ Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
 
+ Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự phải từ đủ 14 tuổi trở lên. Cũng có điểm lưu ý là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều luật cụ thể.
 
Như vậy, về việc xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự các em học sinh trong trường hợp này còn phải dựa trên cơ sở độ tuổi của các em khi thực hiện hành vi cũng như mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi. Còn về vấn đề dân sự thì nếu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản xảy ra do hành vi của các em thì các em còn phải bồi thường thiệt hại.
 
Trường hợp các em không có tài sản riêng thì cha mẹ hoặc người giám hộ của các em có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cũng cần lưu ý việc bồi thường theo Điều 599 Bộ luật  dân sự như sau: Trường hợp hành vi thực hiện trong thời trường học trực tiếp quản lý thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp nhà trường chứng minh không có lỗi trong quản lý thì cha mẹ hoặc người giám hộ của các em có trách nhiệm bồi thường.
 
 
(Tư vấn bởi Luật sư Trần Thị Hà
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)