Dịch vụ

Đang ở nước ngoài có được quyền nộp đơn ly hôn với vợ đang ở Việt Nam hay không?

Trả lời

Rất cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật An Ninh, trong trường hợp của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Thứ nhất, Về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên

Quyền được đơn phương ly hôn đã được quy định tại khoản 1 Điều 51 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy bạn có quyền đơn phương ly hôn với người vợ trừ trường hợp vợ bạn đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi..

 Thứ hai, Về việc gửi đơn xin ly hôn tới tòa án Việt Nam qua đường bưu điện

Hiện nay, pháp luật cho phép người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng phương thức gửi qua bưu điện. Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 về việc gửi đơn khởi kiện đến tòa án quy định như sau:

1. Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

a) Nộp trực tiếp tại Toà án;

b) Gửi đến Toà án qua bưu điện.

2. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Do đó, bạn được quyền gửi đơn xin ly hôn và tài liệu, chứng cứ kèm theo qua đường bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền. Các  giấy tờ, tài liệu để xin ly hôn tại Việt Nam cần chuẩn bị là: (1) Đơn xin ly hôn (theo mẫu); (2) Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); (3) Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực); (4) Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực - nếu có); (5) Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực). Các giấy tờ mà do Cơ quan nước ngoài cấp thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục Hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.

Lưu ý: Theo điểm c, khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp hai người không cư trú cùng một địa chỉ thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn. Với các quy định nói trên, bạn phải gửi đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn đến Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố nơi vợ bạn đang cư trú để được xem xét và giải quyết.

Thứ ba, Về việc xin xử ly hôn vắng mặt

Theo quy định tại Điều 202 được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 thì trong một số trường hợp Tòa án vẫn có thể tiến hành xét xử khi vắng mặt các đương sự của vụ án dân sự.

“Điều 202. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa. Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;

3. Các trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều 199 của Bộ luật này.”

Lưu ý: Theo quy định trên, khi không thể tham gia phiên tòa các đương sự có thể cử người đại diện tham gia phiên tòa thay cho mình hoặc viết đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Song, đối với vụ việc ly hôn, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng, cụ thể là: “người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.”

Như vậy, nếu bạn không có điều kiện về Việt Nam để tham gia phiên tòa, bạn phải làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt tới Tòa án. Còn đối với các tranh chấp về tài sản thì bạn có thể ủy quyền cho người khác hoặc Luật sư để thực hiện việc đại diện cho bạn.

 

Chuyên viên tư vấn: Trương Thị Mai – Công ty Luật An Ninh – Website: luatanninh.vn