Sau khi nhận con nuôi thì bố mẹ đẻ của cháu bé còn liên quan với chau nữa không?
Theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi về Hệ quả của việc nuôi con nuôi thì:
“1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
….
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi”.
Căn cứ theo quy định này, kể từ ngày giao nhận con nuôi thì cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Tuy nhiên, trong chính khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi nêu trên, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận với nhau ở chỗ “trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác…”. Như vậy, pháp luật luôn đặt sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi lên hàng đầu, nhằm đảm bảo những quyền và lợi ích tốt nhất cho con. Hai bên có thể thỏa thuận về việc sau khi giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ có thể được giữa lại một số hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với con của mình. Việc thỏa thuận này do các bên tự nguyện và pháp luật hoàn toàn tôn trọng sự thỏa thuận đó. Cũng cần lưu ý là việc thỏa thuận nên được lập thành văn bản, có chữ ký của cả hai bên và nên được công chứng hoặc chứng thực để tránh xảy ra các tranh chấp sau này.
Tư vấn bởi Luật sư Lê Thị Hồng Linh
(Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)