Buộc phải dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ không phải chịu trách nhiệm hình sự
Cảnh sát là chủ thể được giao thực hiện nhiệm vụ, có quyền bắt người phạm tội. Theo như bạn trình bày thì con bạn không có hành vi chống trả quyết liệt nhưng cảnh sát vẫn sử dụng vũ lực mạnh. Trường hợp này cần xác định nếu do không còn cách nào khác mà người cảnh sát buộc phải dùng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ để bắt người thì không phải là tội phạm, không phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 24 Bộ luật Hình sự). Do đó cần phải xác định hành vi cụ thể của các bên như thế nào thì mới xác định được hành vi của cảnh sát có vượt quá mức cần thiết không.
Trường hợp xác định cảnh sát sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết gây ra thiệt hại cho người bị bắt giữ thì tại điều 137 Bộ luật Hình sự quy định tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ như sau: “Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…”.
Tuy nhiên, trường hợp này, con bạn chỉ bị thương tích 11%. Do đó, người cảnh sát sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng do gây thiệt hại đối với người bị bắt giữ nên cảnh sát phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)