Dịch vụ

Cố tình đuổi đánh trộm gãy chân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự về Phòng vệ chính đáng thì:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ khác nhau ở điểm mức độ cần thiết của hành vi phòng vệ phải là cần thiết đối với hành vi xâm hại. Trường hợp này, tên trộm đã bỏ chạy nhưng chủ nhà vẫn tiếp tục đuổi theo đánh và làm tên trộm bị ngã gãy chân được coi là không cần thiết, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tại Điều 136 Bộ luật hình sự quy định như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.”.

Theo quy định này, tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của tên trộm phải từ 31% đến 60% thì chủ nhà mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ nhà có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi Xâm hại đến sức khỏe của người khác theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-013 của Chính phủ.

 

Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung

(Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)