Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà mẹ đẻ sau khi ly hôn
Hiện nay, Luật Cư trú 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định về vấn đề tách sổ hộ khẩu như sau:
“1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Như vậy, điều kiện để được tách sổ hộ khẩu phải đảm bảo: người muốn tách sổ hộ khẩu phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu. Ngoài ra, cần được sự đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 Luật Cư trú.
“Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó”.
“Điều 26. Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân
2. Người không thuộc đối tượng quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 25 nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó”.
Trường hợp của bạn thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú: Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc trường hợp vợ về ở với chồng. Do đó, căn cứ vào các quy định trên, để làm thủ tục tách sổ hộ khẩu, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ là chồng cũ của bạn đến nộp tại Công an quận, huyện, thị xã (đối với thành phố trực thuộc trung ương) hoặc Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đối với tỉnh) để làm thủ tục.
Bạn có nói chồng cũ của bạn đã ra nước ngoài và mang theo sổ hộ khẩu. Vì thế, bạn cần liên hệ và thỏa thuận với chồng cũ để có được ý kiến cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản từ chồng cũ và sổ hộ khẩu.
Trường hợp, chồng cũ của bạn không đồng ý, cố ý gây khó khan cho bạn và các con trong việc thực hiện các quyền cư trú của mình thì bạn có thể làm đơn đề nghị Công an quản lý hộ khẩu can thiệp để đảm bảo quyền và lợi ích cho mình.
Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh ( Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)