Quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
Tại điểm a, c, khoản 5; điểm d, g, khoản 6; khoản 7, điểm a, khoản 8, Điều 12, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:
- Hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức;
- Hành vi chiếm dụng hè phố làm nơi trông, giữ xe: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (đối với cá nhân) hoặc từ 4.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với tổ chức);
- Hành vi sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài việc xử phạt hành chính, người vi phạm còn phải dùng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 10, Điều 12, Nghị định số số 100/2019/NĐ-CP.
Trường hợp sử dụng trái phép lề đường, hè phố mà gây hậu quả chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 261 “Tội cản trở giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cho phép, việc sử dụng đường phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông quy định tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau, việc sử dụng phần hè phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp sau:
“Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông - Vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại điểm b, điểm c, khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố”.
Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh;
Phòng 305 - Toà nhà số 8 Láng hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)