Trường hợp nào được xem là giết người trong khi tinh thần bị kích động mạnh?
Bộ luật Hình sự quy định tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tại Điều 125 như sau:
“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm”.
Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là trạng thái tâm lý của người phạm tội đã không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế hành vi của bản thân do sự tác động bởi yếu tố khách quan đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.
Đây là dấu hiệu đặc trưng, là dấu hiệu cấu thành cơ bản bắt buộc của tội này. Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể gây ra đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành một tội phạm cụ thể (ngoại lệ: hành vi của nạn nhân cấu thành tội làm nhục người khác, tội vu khống thì cũng được coi là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh).
Mặt khác. Sự kích động phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Cá biệt cũng có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Tuy nhiên, để có thể xác định tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt: thời gian, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu sa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.
Như vậy, để xác định anh trai bạn có bị truy cứu với tội danh Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì phải làm rõ khi thực hiện hành vi đâm nạn nhân, anh trai bạn có đang trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hay không. Trường hợp này, căn cứ vào các tình tiết như bạn kể thì rất có thể anh trai bạn đã thực hiện hành vi trong khi tinh thần bị kích động mạnh và có thể bị truy cứu theo tội danh này.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)