Cần phải làm gì khi nhận được tin nhắn đe dọa tính mạng?
Tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm …”
Thực tế rất khó để xác định rằng đối tượng đe dọa có khả năng hành động hay không, nên cần phải xem xét cụ thể: Phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi đe dọa; nguyên nhân, mâu thuẫn giữa đối tượng đe dọa và người bị đe dọa; trạng thái tâm lý của người bị đe dọa sau sự việc; số lần đe dọa và khả năng thực hiện các hành vi đó của đối tượng đe dọa. Chỉ khi xác định được các yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng đe dọa mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhắn tin quấy rối (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp không thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng đe dọa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo đó, người nào cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng.
Trong trường hợp của bạn, thì nên sớm đến cơ quan công an trình báo vụ việc để tránh xảy ra những chuyện ngoài ý muốn.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)