Quy định pháp luật về việc dùng vũ lực ép nhân viên làm việc gây tổn hại sức khỏe
Điều 297, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về tội cưỡng bức lao động như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%”.
Theo Điều 3, Bộ luật Lao động quy định: Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ. Căn cứ quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì hành vi của quản lý nhà hàng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tùy vào tính chất, mức độ hành vi và các tình tiết cụ thể mà người phạm tội bị xem xét để áp dụng khung hình phạt. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)