Xe trước đâm xe sau dồn cục liên hoàn, ai đền ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì: "Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo."
Theo đó, khi tham gia giao thông người điều khiển xe phải giữ một khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước để tránh xảy ra những tình huống bất ngờ, không xử lý kịp và gây ra tai nạn.
Tùy thuộc vào tình hình thời tiết, địa hình cũng như tốc độ di chuyển có những khoảng cách an toàn khác nhau.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi lưu thông trên đường như sau:
1. Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
2. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định tại Khoản 1 Điều này."
Mặt khác, theo quy định tại điều 584 Bộ luật dân sự 2015, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ 4 yếu tố sau:
1/ Phải có thiệt hại xảy ra.
2/ Phải có hành vi trái pháp luật.
3/ Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
4/ Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp này để xem xét xem phải giải quyết ai là người phải đền bù thì phải xác định được xe nào đã có hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại xảy ra.
Trong trường hợp bạn thực hiện đúng quy định về tốc độ khoảng cách, mà xe máy đằng sau lại không tuân thủ về khoảng cách tốc độ nên không kiểm soát được đã đâm vào đuôi xe bạn, thì bạn có thể yêu cầu xe máy đền bù thiệt hại đó theo quy định của pháp luật.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)