Ngày nghỉ của người lao động được quy định như thế nào?
Hiện nay, Bộ luật lao động 2012 quy định người lao động được hưởng những ngày nghỉ bao gồm: nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lượng. Cụ thể:
- Nghỉ hằng tuần: quy định tại Điều 110 Bộ luật lao động như sau:
“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2.Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động”.
- Nghỉ hằng năm: quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động, tùy theo tính chất, điều kiện công việc mà người lao động được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc nếu làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc nếu công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động là người chưa thành niên, người khuyết tật; 16 ngày làm việc đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Ngày nghỉ hằng năm sẽ tăng theo thâm niên làm việc, cứ 05 năm làm việc sẽ được tăng 01 ngày nghỉ. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
- Nghỉ lễ, tết: quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động như sau: 01 ngày nghỉ đối với Tết dương lịch, Ngày Giải phóng miền nam 30/4, ngày quốc tế lao động 1/5, ngày quốc khánh, ngày giỗ Tổ Hùng vương; 05 ngày đối với Tết âm lịch. Nếu những ngày nghỉ theo quy định trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
- Nghỉ việc riêng: quy định tại Điều 116 Bộ luật lao động như sau: Người lao động được nghỉ kết hôn 03 ngày; nghỉ con kết hôn 01 ngày; nghỉ bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết 03 ngày.
Các trường hợp người lao động nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng đều được hưởng nguyên lương.
- Nghỉ không hưởng lương: Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài những ngày nghỉ hưởng nguyên lương, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
(Công ty Luật TNHH An Ninh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)