CSGT có quyền kiểm tra cốp xe của người tham gia giao thông?
Tại Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA có quy định 3 nội dung kiểm soát của cảnh sát giao thông bao gồm: việc kiểm soát giấy tờ, các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện và hoạt động vận tải đường bộ.
Đối với danh mục kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ, bộ luật ghi rõ:
- Kiểm soát quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật chuyên chở (dài, rộng, cao), chủng loại, trọng lượng hàng hóa hoặc số người trên phương tiện so với nội dung quy định tại các loại giấy tờ, tính hợp pháp của hàng hóa và các biện pháp bảo đảm an toàn;
- Trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám phương tiện vận tải, đồ vật và khám người theo thủ tục hành chính; khi tiến hành khám phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì lập biên bản vụ việc, tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy tờ, tài liệu có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết; việc tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy tờ, tài liệu có liên quan phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, CSGT chỉ có quyền kiểm tra cốp xe, ví, điện thoại …. của người tham gia giao thông trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Việc khám người, phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản và phải do người có thẩm quyền ban hành bao gồm: Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt có thẩm quyền khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo các quy định trên. Khi cấp trưởng vắng mặt, có thể giao quyền cho cấp phó và phải được thể hiện dưới dạng văn bản. Việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản trừ trường hợp dưới đây.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy, chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính và phải báo cáo bằng văn bản cho thủ trưởng của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)