chồng có được quyền nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi khi ly hôn?
Trả lời:
Về quyền ly hôn:
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và Điều 42 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Theo đó, ly hôn có thể được thực hiện theo yêu cầu của cả hai vợ chồng (thuận tình ly hôn) hoặc chỉ có một bên vợ hoặc bên chồng xin ly hôn.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 85 Luật HN – GĐ về hạn chế quyền ly hôn của người chồng cũng quy định “Trong trường hợp người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Như vậy, nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Luật HN – GĐ không cho phép người chồng ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo bạn trình bày thì con bạn nay đã 26 tháng tuổi nên nếu bạn xét thấy đời sống vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, không thể tiếp tục chung sống với nhau thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn của vợ chồng bạn. Căn cứ để Tòa án giải quyết việc ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2000: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn”.
Về quyền nuôi con:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình thì: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.
Theo đó, khi vợ chồng bạn ly hôn, hai bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, do con bạn mới 26 tháng tuổi (dưới ba tuổi) nên khi ly hôn, về nguyên tắc vợ bạn được Tòa án xem xét ưu tiên cho phép được quyền trực tiếp nuôi con nếu vợ bạn mong muốn được nuôi con và vợ chồng bạn không có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, khi quyết định trao quyền nuôi con cho người vợ hay người chồng, Tòa án đều phải xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Do đó, nếu vợ bạn không muốn nuôi con và bạn có đủ cơ sở để chứng minh việc vợ bạn không bảo đảm được các quyền lợi của con (điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục,…), thường xuyên bỏ bê, không quan tâm đến con, trong khi đó, bạn lại đáp ứng đầy đủ những điều kiện cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, học hành,… cho con, thì Tòa án có thể xem xét, quyết định cho bạn được quyền nuôi con.
Trong trường hợp, Tòa án vẫn quyết định giao cháu bé cho vợ bạn nuôi dưỡng, chăm sóc thì bạn có thể chờ cháu bé đủ 36 tháng tuổi để yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 93 Luật HN – GĐ.