Quy định của pháp luật đối với hành vi lưu hành, mua bán tiền giả
Theo quy định tại Điều 23, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, hành vi làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả bị nghiêm cấm. Việc rao bán công khai tiền giả trên mạng xã hội cũng bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d, e, khoản 1, Điều 18, Luật An ninh mạng. Hành vi này vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207, Bộ luật Hình sự như sau:
“Điều 207. Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Như vậy, có thể thấy hình phạt cao nhất có thể áp dụng cho người phạm tội lên đến tù chung thân đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản. Người chuẩn bị phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này khẳng định hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả vô cùng nguy hiểm, Nhà nước rất coi trọng, quan tâm đến việc đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa và trừng trị tội phạm này.
(Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)