Vợ đang mang thai có được Ly hôn với chồng không
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và Điều 42 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Theo đó, ly hôn có thể được thực hiện theo yêu cầu của cả hai vợ chồng (thuận tình ly hôn) hoặc chỉ có một bên vợ hoặc bên chồng xin ly hôn. Như vậy, nếu chồng bạn không đồng ý ly hôn thì bạn vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Căn cứ để Tòa án giải quyết việc ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2000: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn”.
Về tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được được hướng dẫn cụ thể tại mục số 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP như sau:
“a) Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
+ Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
+ Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
b) Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này.
Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
c) Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.”
Theo như bạn trình bày, trong thời gian chung sống, vợ chồng bạn luôn xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả khi bạn mang thai chồng bạn vẫn thường xuyên mắng chửi và đánh đập bạn. Ngoài ra, chồng bạn lại còn lăng nhăng với những người phụ nữ khác. Như vậy, mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững không đạt được; quan hệ hôn nhân đã ở vào tình trạng trầm trọng, giữa hai người đã tồn tại những mâu thuẫn gay gắt, tình cảm đã lạnh nhạt, không còn yêu thương, quý trọng nhau nữa; đời sống chung của vợ chồng bạn không thể kéo dài hơn nữa. Những mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết bằng quyết định cuối cùng của Tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân. Do đó, khi yêu cầu ly hôn bạn cần cung cấp các chứng cứ để cho thấy cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được giữa hai vợ chồng bạn.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật HN – GĐ về hạn chế quyền ly hôn của người chồng thì “Trong trường hợp người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Như vậy, nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em – những người yếu thế trong xã hội, Luật HN – GĐ không cho phép người chồng ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, người vợ vẫn có quyền xin ly hôn khi đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (kể cả trường hợp hai người thuận tình ly hôn). Cho nên, nếu việc tiếp tục chung sống với chồng bạn mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn và/hoặc bào thai trong bụng bạn thì bạn có quyền nộp đơn xin ly hôn và Tòa án sẽ thụ lý giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện ly hôn trong trường hợp của bạn bao gồm: Đơn xin ly hôn; CMND, hộ khẩu (bản sao có chứng thực); giấy chứng nhận kết hôn (bản sao có chứng thực); bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp); bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Luật sư Trần Ngọc Hà
Công ty Luật An Ninh